Con Ðường Hòa Bình Chơn Thực
11 Tư Liệu, Bút Tích Của Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc
 

Lời Trình Dâng

 
Ðấng Chí-Tôn giáng cơ lập Ðạo mục đính là để cứu đời.
Từ ngày nền Ðại Ðạo hoằng khai, tín hữu chúng ta vẫn không lúc nào ngừng đi tiền phong trong mọi công cuộc vận động tranh thủ độc-lập tự do cho Tổ-quốc và Dân-tộc.
Tuy nhiên, trót hai mươi lăm năm hy-sinh chiến đấu, dân-tộc ta chỉ thoát khỏi gông cùm Pháp thuộc, để lại rơi vào một cuộc chiến ghê tởm và tàn nhẫn hơn, đó là cuộc tương tàn tương sát giữa người Việt với người Việt, cho đến nay vẫn còn nối tiếp.
Nhưng dân tộc Việt Nam không thể khoanh tay để nòi giống tiêu tàn.
Năm 1949, đức Phạm-Hộ-Pháp, nhận ra âm mưu dùng người Việt giết người Việt của thực dân, đã ra lệnh hưu binh cho toàn thể chiến sĩ Cao-Ðài; lực lượng Cao-Ðài từ đó chỉ còn xử dụng để bảo vệ an ninh cho tín đồ và làm hậu thuẫn cho cuộc tranh đấu với Pháp để giành độc lập.
Năm 1954, Ðức Ngài đã vô cùng sáng suốt mãnh liệt phản đối hiệp định Genève, trông thấy ở sự chia cắt Việt Nam cái mầm mống của một cuộc chiến tranh thảm khốc giữa hai miền Nam Bắc.
Trước mối nguy cơ lớn lao cho dân tộc, Ðức Ngài phát khởi công cuộc vận động chính sách Hòa bình chung sống, mục đích là hòa giải dân tộc, tránh cuộc tương tàn tương sát, tiến tới Thống nhất đất nước.
     Một điểm căn bản trong chính sách ấy là lập quyền dân : nhân dân phải được bảo đảm về những quyền tự do căn bản, và chính nhân dân sẽ quyết định thể chế và đường lối quốc gia.
Tánh chất trọng yếu của kế hoạch đề ra là sự giải quyết tổng quát cho cả hai miền Nam-Bắc để xích lại gần nhau dần dần tiến tới Thống nhất, chớ không phải chỉ giải quyết tình trạng một miền Nam hay Bắc. Chừng nào còn có hai nước Việt Nam xu hướng theo hai khối quốc tế để đói địch nhau thì ngày ấy hiểm họa nội chiến vẫn còn nguyên; chỉ có sự từ bỏ những xu hướng ấy, đồng theo một đường lối trung lập quốc tế mới đưa Việt-Nam tới sự hòa giải thật sự, sự Thống nhất và hòa bình vĩnh
cửu.
Như vậy chánh sách hòa bình chung sống không phải là một chủ trương đầu hàng mà trái lại chính là một cuộc vận động tích cực và tiến bộ, đòi hỏi sự hy sinh của cả hai phía để chỉ còn lại một mụch đích phụng sự dân tộc. Chánh sách hòa bình chung sống chỉ có thể là nỗ lực lớn lao và sự thành công vẻ vang của lực lượng nhân dân đã trưởng thành, đoàn kết và chiến đấu hy sinh.
Năm 1955, để bảo đảm cho tính chất trung lập không thiên vị và chủ trương Hòa bình chung sống, và cũng để tránh áp lực cả hai miền Nam-Bắc, Ðức Ngài đã tự ý lưu vong sang đất Cao Miên và từ đó xúc tiến cuộc vận động. Ðối ngoại để kêu gọi sự hưởng ứng và hỗ trợ của các cường quốc, liên lạc với các chính khách quốc tế cùng một chủ trương. Ðối nội thì kêu gọi chánh phủ hai miền, kêu gọi các tôn giáo hãy hiệp tác đứng làm trung gian đều giải, kêu gọi quốc dân ý thức hiểm họa nội chiến, tổ chức những phong trào vận động hòa-bình như "thương phế binh toàn quốc vận động Hòa Bình", những phong trào thống nhứt như "Ðoàn xung phong phá vĩ tuyến 17", những phong trào liên tôn như " Hòa bình Giáo Hội"
Tiếc thay, cho đến ngày sức cùng lực kiệt, vì lao tư, vì tuổi già sức yếu, Ðức Ngài đã quy tiên nơi đất khách (1959) mà chưa được thấy thực hiện những lý tưởng vì nó mà Người đã hy sinh cả cuộc đời.
Trong lời di ngôn, Ðức Ngài định rằng thi hài của Người chỉ được di về cố quốc khi nước nhà đã được Thống Nhất trong sự sống chung hòa bình.
Cao quý thay cái khí tiết của nhà chí sĩ! Nhưng cũng xót xa đau đớn thay cho toàn thể tín đồ chúng ta, cho hết thảy những ai đồng một nỗi ưu tư cho hạnh phúc của nhân dân, cho sự tồn vong của giống nòi.
Tuy Ðức Ngài không còn tại thế nhưng những tư tưởng cao thượng, những chủ trương đứng đắn của Người vẫn mạnh mẽ nẩy nở trong dân gian, để giờ đây trở thành những ý lực mạnh mẽ phổ quát trong mọi tầng lớp nhân dân muốn chấm dứt chiến tranh bằng hòa giải các phe lâm chiến và đối địch ý thức-hệ.
Thế nhưng hòa bình chỉ đến, hòa bình chân chính và bền vững, nếu nhân dân Việt thật sự giác ngộ được vai trò quyết định của mình, cương quyết bảo vệ quyền lợi dân chủ, mặt trong thì điều giải công bằng các phe phái và quyền lợi, đặt chính sách quốc gia trên đường hướng cách mạng và tiến bộ, mặt ngoài thì kiên trì một vị trí
trung lập, không tham gia cùng các phe quốc tế đối địch mà chỉ góp phần sự xây dựng hòa hợp và cộng tác trong thế giới.
Ðó là căn cốt của những bức thông điệp cao thượng và thiết tha mà Ðức Ngài còn để lại cho chúng ta.
Nay ban Ðạo-Sử, thâu thập những tài liệu cũ, phần mất mát, phần hư hoại, trải qua bao cuộc bắt bớ tịch thâu, cống hiến chư tín hữu và mọi giới tập sách nhỏ này, chỉ có một sở nguyện là mau chóng được thấy ngày hòa bình của dân tộc, ngày nước Việt Nam Thống nhứt với chánh sách Hòa bình chung sống điều giải được các phe đối địch trên thế giới đưa đến hòa bình toàn thế giới trong một hội Long Hoa vinh hiển, xây dựng một nền văn minh mới cho nhân loại căn bản trên Công-Bằng Bác-Ái và Tù-Bi.
 

Nam-Mô Cao-Ðài Tiên-Ông Ðại-Bồ-Tát Ma-ha-tát
Hội-Thánh Ngoại-Giáo
BAN ÐẠO-SƯ CAO-ÐÀI
Paris 15-1-1991

 

THƯ GỞI

Cụ Nnguyễn Ái Quốc .

 
 Thưa Cụ,
Bần Ðạo lấy cử chỉ tự nhiên của mình, chẳng có chịu ảnh hưởng một quyền năng nào, kính gởi bức Tâm Thư này cho Cụ nhưng cũng vì không biết địa chỉ nơi nào nên phải cậy mặt báo cùng vô tuyến truyền thanh đặng đệ đến thấu tai Cụ.
Vì nghĩa đồng tình và đồng chí hướng, và cũng chịu đau khổ cùng giống nòi với Tổ quốc Giang san trong 80 năm lệ thuộc, Bần Ðạo cũng như Cụ phải chịu gian lao vào tù ra khám sống chết đã giao định mạng trong tay người.
Giờ phút này, Cụ đặng hạnh phúc làm Cách Mạng Thành Công thì Cụ cũng cho Bần Ðạo hưởng đặng mảy mai hạnh phúc bảo vệ sanh mạng và tài sản của đồng bào tránh cho được nạn tương tàn, tương sát lẫn nhau đặng chút nào hay chút nấy, vì giá trị mua chuộc hoàng đồ Tổ quốc Giang san chúng ta đã trả với một giá rất mắc mỏ là mua chuộc với xương máu của đồng bào. Thật ra Cụ cũng như tôi, mục đích duy nhất của chúng ta là thâu hoạch cho kỳ được độc lập và Thống nhất hoàng đồ sau 80 năm bị chia rẽ.
Thưa Cụ, ngày hôm nay chúng ta đã đoạt vọng là, trước mắt quốc tế làm chứng, nước Pháp đã trả trọn vẹn độc lập cho ta rồi, chỉ còn nạn chia rẽ giống nòi ta đó, chịu ảnh hưởng của hai khối Nga-Mỹ mà giúp thêm cho kẻ ngoại nhân toan mưu xẻ hai hoàng đồ của ta đặng cố gây họa diệt chủng cũng như nhị Chúa Nguyễn-Trịnh buổi nọ.
Khi đồ lưu nơi hải ngoại trở về Bần Ðạo lấy làm cảm kích nếu không nói rằng vui mừng thấy lập trường tranh đấu của Cụ, cũng chủ trương Thống nhất hoàng đồ và tranh đấu cho hoàn toàn độc lập. Chẳng lẽ hôm nay đã đoạt đến mục đích, mà Cụ lại để cho kẻ ngoại nhân đồ mưu phá tiêu cả công nghiệp vĩ đại của cuộc tranh đấu toàn quốc và sự hy sinh vô bờ bến của đồng bào.
Cụ tranh đấu, Bần Ðạo thương thuyết, hai ngọn cờ giải ách lệ thuộc của giống nòi là Cụ và Ðức Quốc Trưởng Bảo Ðại, cả hai đã thành công và toàn quốc đồng bào không chối cãi ơn nặng của hai người đã giải ách đô hộ cho họ, chỉ còn một nỗi khắt khe lưu lại là tình thế đấu tranh trong nước Quốc và Cộng .
Ước mong Cụ đừng quên ngày hiệp tác ban sơ của Cụ và Ðức Quốc-Trưởng Bảo-Ðại mà tái hợp cùng nhau chung trí hòa tâm đặng định vận mạng tương lai bền vững cho giống nòi và Tổ-Quốc.
Nếu lời kêu gọi nầy mà đặng hưởng ứng đôi bên thì rất nên may mắn và hạnh phúc cho dân nước Việt .
 

Tòa-Thánh ngày 19-3 Giáp-Ngọ
(1-5-1954)
Hộ-Pháp

 

BỨC THƠ XUÂN
GỞI CHO TOÀN THỂ ÐỒNG BÀO VIỆT-NAM
ÐẦU NĂM ẤT MÙI

 
Cùng toàn thể Quốc dân đồng bào Việt Nam,
      Nhân dịp ngày xuân Ất Mùi Bần Ðạo thành tâm cầu nguyện Ðức Chí-Tôn chan rưới hồng ân cho toàn dân nước Việt đặng mau thoát khỏi ly loạn tương tàn.
Sau nữa, Bần Ðạo có mấy lời thống thiết ngỏ cùng toàn thể quốc dân :
Trót mười năm quật cường giải ách lệ thuộc, thâu hoặc độc lập cho tổ quốc giống nòi thì toàn thể đồng bào đã góp vào biết bao xương máu và đau khổ. Lập trường tranh đấu thâu hoạch cho kỳ đặng hạnh phúc tự do cơm áo của nòi giống sau 80 năm đô hộ, đã khiến cho lòng ái quốc nồng nàn của mỗi công dân Việt Nam để tâm vào một chí hướng là độc lập và Thống nhất non sông. Hại thay! cơ cấu tranh đãu cho kỳ đặng ấy nó đã chia rẽ ra nhiều phương pháp và nhiều chí hướng : Việt Minh là gì ? mà Quốc Gia là gì ?
Thì cũng đồng bào Việt Nam tìm phương tranh đấu. Nhưng các danh từ và nhãn hiệu ấy chẳng lẽ có năng lực đặng chia rẽ con cái của một nước, một chủng tộc và xem lẫn nhau là kẻ tử thù ? Ðau đớn thay nạn tương tàn tương sát đã xảy ra cũng do nơi định nghĩa bất đồng của các phương pháp và danh từ tranh đấu.
Từ ngày mùng 9 tháng 3 năm 1945 dương lịch, cuộc giải phóng dân tộc đã khởi đầu. Các biện pháp thắng lợi cho nước nhà hôm nay cũng chưa thâu hoạch đặng trọn vẹn, lại còn gây thêm nạn qua-phân lãnh thổ : từ vĩ tuyến 17 đổ vô là của khối Quốc Gia còn từ vĩ tuyến 17 đổ ra là của Việt Minh làm chủ. Nạn nhị chúa phân tranh Nguyễn-Trịnh ngày xưa đã biểu diễn lại.
Bần Ðạo thử hỏi cuộc tranh đấu giải ách lệ thuộc đặng đem hạnh phúc đó lại cho ai ?
      Phải chăng tổ quốc và toàn thể đồng bào thì lý ra chẳng lẽ có một nguyên cớ nào làm cho nòi giống Việt này chia phân cho đặng. Chủng tộc duy có một Hoàng Ðồ chỉ có một. Rồi ta lại thử hỏi : ai đã gây nên nỗi loạn, ly tán giống nòi ? Phải chăng vì năng lực ngoại bang đã gây ra nạn phân chia chủng tộc.
Hai chí hướng đương nhiên của quốc tế là lý thuyết dân chủ xả hội và Cộng Sản xã hội. Hai lý thuyết ấy đều hứa hẹn rằng nhân loại phải duy tân và cải tổ xã hội vì tổ chức xã hội đương nhiên đã gây thất vọng cho nhân loại quá nhiều, nên đem lại cho họ nhiều đau thảm hơn là hạnh phúc. Ðôi bên đều hứa hẹn tìm một phương pháp sửa chữa đặng tìm cái hay trừ cái dở. Lời hứa hẹn ấy đã thấm nhuần trong trí não đau khổ của nhân loại nhất là hạng bần dân và các quốc gia lạc hậu mong ước chóng được thực hiện điều ấy.
Hai triết lý xã hội mới mẻ kia đương tranh đấu đặng thâu hoạch tín nhiệm của toàn thể nhân loại trên mặt địa cầu này. Cuộc tranh đua của họ đã hiển nhiên kịch liệt và hỗn độn nhưng họ cũng đã đủ năng lực phân chia nhân loại làm đôi chí hướng.
Hại nỗi, hạnh phúc, đâu chẳng thấy, chỉ gây cho nhân loại một tấm thảm kịch tương sát, tương tàn. Ta nên để đức tin cho thời gian và không gian định nên hư của họ, nhưng hiển nhiên hôm nay ta chịu biết bao nhiêu đau khổ. Ta muốn cho vay đặng hưởng lợi, mà lợi đâu chẳng thấy, vì hứa hẹn ấy chỉ với lỗ miệng, không bảo kê, không chứng chắc mà giờ phút này ta bị lỗ vốn một cách đau đớn và oan uổng.
Cuộc chạy theo bóng bỏ hình của nòi giống Việt Nam từ xưa đã vậy, nó đã làm nên bịnh của chủng tộc, đồng bào sẽ hỏi Bần Ðạo dùng phương pháp nào để trừ hại thì Bần Ðạo chỉ trả lời một cách đơn giản như thế này :
Ngày nào cả chủng tộc Việt Nam đặng định tĩnh trong quốc-hồn của họ thì họ mới có thể cố thủ và bảo vệ sanh tồn của họ.
Ngày nào lòng ái quốc nồng nàn của nước Việt Nam thoát khỏi lợi dụng đặng biến thành ngọn lửa thiêng dâng trọn lên bàn thờ tổ quốc của họ thì họ mới bảo thủ được trọn vẹn Hoàng đồ cùng chủng tộc.
Ngày nào đầu óc của khối quốc dân biết trọng dĩ vãng lịch sử của mình rồi định phân cho mình xứng đáng là một nước đủ hùng cường, đủ uy tín hầu đối diện cùng quốc tế rồi chủ định số phận của mình do năng lực của mình, không ỷ lại nơi một ngoại-bang nào thì ngày ấy mới giải ách lệ thuộc về tinh thần lẫn vật chất của mình đặng.
Tình thế đương nhiên Bắc Việt đã bị lệ thuộc vào Trung Cộng, còn Nam thì bị sống gởi nơi tay người thì số kiếp tương lai của ta chưa biết nương nơi đâu mà an đặng. Nếu tình thế này mà kéo dài mãi thì hòa bình của họ đã hứa hẹn cùng ta chỉ là mộng ảo.
Bần Ðạo ước mong và cầu xin cho cả toàn thể đồng bào sáng suốt hơn đặng tự định số mạng và tương lai của mình.
Bần đạo để lời chào mừng toàn thể đồng bào và cầu chúc cho các gia đình đều hạnh phúc.
 

Tòa-Thánh Tây-Ninh, ngày 27 tháng Chạp Giáp-Ngọ
(20-1-1955)
Hộ-Pháp

 

Thư Gởi Chủ Tịch Liên Hiệp Quốc Và
Thủ-Tướng Chánh Phủ Các Cường Quốc
Kính quí Ngài,

 

Sau tám mươi năm bị đô hộ dưới quyền Pháp thuộc, ngày 9-3-1945 Toàn cả quốc dân Việt Nam quật cường giải ách nô lệ việc trọng đại ấy đã có tiếng đội khắp cả thế giới và các liệt cường quốc điều hiểu rõ .
Ðã 11 năm tranh đấu không ngừng để định dựng chủ quyền độc lập cho Tổ Quốc, dân tộc Việt Nam đã phải chịu bao nhiêu thống khổ, tang tóc về tài sản cũng như sinh mạng, lại thêm bị hai ngoại quyền Cộng Sản và Tư Bản xen vào nội bộ, chia quốc dân Việt Nam làm hai xu hướng .
Kể từ ngày quân đội Pháp thất trận ở Ðiện-Biên-Phủ lại thêm một tai hại lớn lao nữa trồng lên đầu dân Việt Nam. Thật vậy chín nước ở Hội Nghị Genève với hảo ý đem hòa bình lại cho xứ Việt Nam và chấm dứt chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh đã vô tình mà không nhận định sự tai hại cho Việt Nam là thế nào, nên đã ký một hiệp định chia đôi lãnh thổ Việt Nam từ vĩ tuyến 17 rồi lại định cho Việt Nam phải tự tìm phương thống nhất.
Chúng ta nên nhớ rằng khi ký Hiệp định Genève thì vĩ tuyến 17 chỉ có nghĩa là để chia đôi quân đội của hai bên ra để tránh sự đụng chạm, nhưng về sau thì vĩ tuyến 17 đã biến thành một cách thực tế ranh giới chia hẳn hai miền Nam-Bắc, miền Bắc thì do cụ Hồ Chí Minh với chánh phủ thân Nga và miền Nam thì cụ Ngô Ðình Diệm với chánh phủ thân Mỹ.
Là nạn nhân của thời cuộc và sự tranh chấp của chủ nghĩa Quốc tế, dân tộc vô phúc này, thay vì đặng giúp đỡ và an ủi lại phải thêm một vết đau thương do chín nước đã vô tình xâm phạm quyền dân tộc tự quyết của họ.
Tình trạng ấy đã hiển nhiên và không một ai có thể nào chối cãi. Việc cốt yếu hiện nay là phải tầm một diệu dược để cứu chữa bệnh trạnh ấy.
Bần Ðạo rất hài lòng nhận nơi đây hảo ý và sự cố gắng dẻo dai của các Cường quốc Trung lập để tìm một giải pháp hòa bình mong giải quyết vấn đề Việt Nam.
Là giáo-chủ một Tôn-giáo tượng trưng tin thần của một dân tộc đủ phong tục, đủ văn hiến, do một nền văn minh tối cổ Khổng Giáo, Bần Ðạo không thể nào ngồi yên đặng nhìn sự thống khổ của họ vì lẽ bất công của xã hội nhơn quần.
Vì cớ nên Bần Ðạo định góp sức mọn mình với sự cố gắng của các Liệt cường để tìm phương pháp cứu vãn tình thế, giải nạn cho chủng tộc Việt Nam đặng bảo vệ hòa bình và hạnh phúc cho họ.
Hôm nay Bần Ðạo phải xuất ngoại cốt yếu để bảo thủ tự do của cá nhân, hầu có đủ phương tiện kêu gọi lòng nhân đạo của các liệt cường giúp sức cho Bần Ðạo đủ phương hòa giải hầu tránh nạn cốt nhục tương tàn của sắc dân Việt sắp gây nội chiến và đôi ảnh hưởng.
Nhơn đó Bần Ðạo xin gởi theo đây một chương trình tối thiểu mà đại ý là một đường lối Chung sống lập thành tại nước Việt Nam một chánh phủ liên bang hầu có thể thực thi Thống Nhất theo như Hiệp Ðịnh Genève đã đề nghị.
Chương trình này Bần Ðạo đã định rõ trong bức điện văn gởi cho tứ cường trong buổi hội nghị Genève kỳ nhì vào ngày 21 tháng 7 năm 1955 và đã nhờ Thủ Tướng Edgar Faure chuyển đệ.
Bần Ðạo chỉ xin Liên-Hiệp-Quốc và các liệt cường thật tâm ủng hộ và cương quyết bảo đảm cho Bần Ðạo được tự do tuyên truyền giải Pháp này khỏi sự khủng bố của hai Chánh phủ đương quyền Hồ-Chí- Minh và Ngô-Ðình-Diệm trong khi Bần Ðạo thật hành sứ mạng hòa bình này.
Bần Ðạo quả quyết rằng : Ðồng bào Việt Nam luôn luôn yêu chuộng hòa bình sẽ hưởng ứng nhiệt liệt phong trào này nếu họ được tự do phát biểu ý chí của họ.

 

Bần Ðạo tỏ lòng tri ân Quí Vị.
Phnom Penh ngày 20-3-1956
Hộ-Pháp